Cao tốc nghìn tỷ tại miền Tây sẽ không thu phí để phục vụ người dân

Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu nối Đồng Tháp – Tiền Giang, dự án thành phần 1 dài 16 km sẽ khởi công vào ngày 25/6; khi hoàn thành sẽ không thu phí hoàn vốn để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và vùng ĐBSCL.

Giai đoạn 1 của dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu được chia làm 2 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư 5.886 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp phụ trách, có tổng vốn đầu tư 3.640 tỷ đồng và dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang phụ trách có tổng vốn đầu tư 2.246 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu được đầu tư công từ nguồn phục hồi phát triển kinh tế xã hội và vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ không thu phí hoàn vốn để tạo thuận lợi cho việc lưu thông và phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, khi hoàn thành, cao tốc Cao Lãnh – An Hữu sẽ kết nối với cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo trục dọc, gồm: TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau. Ở phía Tây, sẽ nối vào cao tốc Bắc – Nam đang hình thành gồm: đường Hồ Chí Minh – Mỹ An – Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi.

Phối cảnh cao tốc Cao Lãnh – An Hữu. Ảnh: dongthap.gov.vn

Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 27,4 km, điểm đầu: Giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối Giao với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận , huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, với bề rộng nền đường 17m vận tốc khai thác 80km/h. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2027.

Dự án thành phần 1 có 533 hộ nằm trong vùng dự án với diện tích đất thu hồi trên 101 hecta. UBND tỉnh Đồng Tháp xác định, số hộ chịu ảnh hưởng từ dự án là không nhỏ, nên ngay từ đầu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, UBND hai huyện có cao tốc đi qua là Cao Lãnh và Tháp Mười tập trung vận động tuyên truyền, thông tin cho người dân về chủ trương làm đường cao tốc của tỉnh nhà. Đồng thời, nêu rõ các chính sách, phương án hỗ trợ cho người dân ổn định đời sống – sản xuất sau khi giao đất cho dự án.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, 100% hộ dân trong vùng dự án đã bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương xây dựng đường cao tốc đầu tiên đi qua địa bàn tỉnh. Tinh thần chia sẻ với chính quyền được người dân thể hiện qua từng diện tích đất giao cho dự án.

Theo Hòa Hội

Tiền phong

Trả lời

0987995714